Cà phê được nhuộm đen bằng pin có thể khiến người uống phải rất dễ nhiễm độc các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg) và thạch tín… những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh của con người.
Cách đây không lâu, nhiều người đã rất hoang mang khi có thông tin cho rằng những người buôn bán đã cho lõi pin vào nồi bánh chưng hoặc bắp để luộc cho chúng nhanh chín và có màu đẹp. Mới đây nhất, ngày 17/4 qua, thông tin các cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (Thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) và bắt quả tang cơ sở này đang pha trộn tạp chất, dùng bột pin để nhuộm mầu cà-phê khiến dư luận một lần nữa rúng động về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Ảnh: Internet)
Trước cơ quan chức năng, bước đầu chủ cơ sở này khai nhận, sau khi được cấp phép đã đến các đại lý thu mua cà phê trên địa bàn để thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… sau đó mua pin về đập vụn rồi dùng lõi pin hòa với nước để tiến hành nhuộm đen cà phê phế phẩm và đóng gói rồi bán ra thị trường. Cũng theo khai báo của chủ cơ sở này, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, nơi này đã bán ra thị trường hơn ba tấn cà phê trộn lẫn tạp chất độc hại như trên.
(Ảnh: Internet)
Vậy, nếu uống phải loại cà phê được nhuộm bằng pin này, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Chia sẻ trên báo Nhân Dân điện tử, Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Trong pin thường có các kim loại nặng như Mangan, chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín… đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người”. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết, sử dụng cà phê nhuộm bằng pin còn có nguy cơ ngộ độc nhiều loại kim loại, đặc biệt là ngộ độc Mangan rất nguy hiểm tới tính mạng.
Các cục pin đã được đập nát để lấy bột nhuộm cà phê. (Ảnh: Internet)
Chia sẻ trên Dân Trí, PGS Trần Hồng Côn (Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG HN) giải thích: "Loại pin chúng ta thường dùng là pin khô. Loại pin này có cấu tạo 2 cực ở giữa là lõi than chì, chung quanh lõi than chì bao bọc một lớp Mangan dioxit (MnO2). Ngoài lớp Mangan dioxit đó còn có lớp Amoni clorua và một số hoạt chất pha thành gel. Ngoài cùng gel là vỏ kẽm. Khi pin hỏng, kẽm sẽ bị mòn gần hết, còn lại Mangan dioxit bị thẩm thấu Amoni clorua và các hoạt chất nên không thể phát điện được nữa. Nếu bỏ lõi đi sẽ chỉ còn chủ yếu là bột Mangan dioxit. Một số ion kẽm, Amoni clorua và hoạt chất có thể ngấm vào trong lõi Mangan dioxit. Mangan dioxit là một chất có thế oxy hóa khử rất cao nên khi gặp các chất hữu cơ, đường, muối Amoni clorua, muối có tính chất khử như muối sunfit sẽ khử từ Mangan dioxit thành ion mangan 2+".
Dung dịch nước pin dùng nhuộm đen cà phê. (Ảnh: Internet)
PGS Trần Hồng Côn còn chia sẻ thêm: "Tuy Mangan là một nguyên tố thiết yếu trong cơ thể như sắt nhưng một khi nồng độ cao hơn ngưỡng cho phép sẽ gây bệnh ngộ độc Mangan. Chứng ngộ độc Mangan rất nguy hiểm, đặc biệt nhuộm cà phê bằng nước pha lõi pin còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Người tiêu dùng nếu uống phải những loại cà phê như vậy hàng ngày rất dễ nhiễm độc Mangan”.
Những chất độc hại ẩn trong dụng cụ nấu ăn chị em nội trợ cần lưu ý.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, nếu hấp thu vào cơ thể một lượng Mangan cao còn có thể gây độc cho phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Mangan đặc biệt cực có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mangan trong khi tiết thải ra ngoài rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mangan trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, loại cà phê nhuộm đen bằng pin này còn cực kì nguy hiểm hơn với phụ nữ đang mang thai và trẻ em.