Cho ong đốt để chữa bệnh viêm khớp, tiêm ký sinh trùng sốt rét để chữa bệnh giang mai hay thậm chí dùng chính giun sán để chữa viêm ruột… là những phương pháp chữa bệnh khiến nhiều người phải “khóc thét” vì kinh hãi.
Những tiến bộ của khoa học kĩ thuật ngày nay, đặc biệt là nền y học phát triển cao đã giúp loài người chẩn đoán chính xác và điều trị được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thế giới vẫn còn tồn tại khá nhiều phương pháp điều trị khá… quái dị và ghê rợn. Dưới đây là những phương pháp chữa bệnh kì dị khiến nhiều người phải “khóc thét” vì quá đau đớn hoặc kinh hãi!
Cho kiến cắn để giúp khâu vết thương
Những khu rừng rậm ở châu Phi có một loài vật rất đáng sợ, đó là kiến Siafu hay còn gọi là “kiến quân đội” (the army ants). Một đàn kiến Siafu có thể lên tới 20 triệu con. Với số lượng lớn đi kèm sự hung hãn cùng bộ hàm như gọng kìm vô cùng chắc khỏe, chúng có thể giết chết bất kì địch thủ nào, kể cả con người.
Đáng sợ là vậy, nhưng kiến quân đội lại có một tên gọi khác là “kiến phẫu thuật” (surgery ant). Thời xưa, trước khi phương pháp khâu vết thương ra đời, con người đã có ý tưởng cố định vết thương hở nhờ sự giúp sức của loài kiến này. Kiến Siafu sẽ được đặt lên bề mặt vết thương và chỉ cần một chút kích thích, nó sẽ gắn chặt bộ hàm như hai gọng kìm, khiến vết thương khép miệng. Lúc này, người ta có thể ngắt phần thân kiến, để lại và giữ nguyên phần đầu giống như chỉ khâu, góp phần giúp vết thương nhanh liền và không bị nhiễm trùng. Phương pháp này có thể không hiệu quả với vết thương lớn, nhưng đối với vết thương nhỏ thì vô cùng hữu ích. Ngày nay, nó vẫn được sử dụng như một cách cấp cứu tức thời với một số nhà thám hiểm rừng rậm.
Cho ong đốt để trị bệnh viêm khớp
Nọc ong vốn được xem là một loại độc dược, bởi nó có chứa khá nhiều thành phần axit formic. Nếu một người không may bị ong đốt có thể sẽ gặp phải các hiện tượng như sưng tấy, đau buốt… nặng hơn có thể là ngộ độc, dị ứng, thậm chí tử vong…
Một nghiên cứu của trường Đại học San Paulo vào năm 2010 đã chỉ ra rằng, nọc độc của ong tạo ra một lượng lớn hoóc-môn chống viêm nhức, ngăn chặn bệnh tái phát và được các bác sĩ sử dụng trong nhiều thế kỷ. Hiệu quả chữa bệnh của nọc ong vẫn còn bí ẩn. Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã làm rõ cơ chế chống viêm mellittin, đó là peptit chủ yếu trong nọc ong. Lúc đầu, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động chống viêm khớp của nọc ong trên chuột. Họ đã phát hiện rằng chỉ cần dùng một lượng thấp nọc ong cũng đủ làm giảm mạnh sự sưng tấy mô và hình thành gai xương, có nghĩa là hiệu quả chống viêm khớp của nọc ong là do các tính chất chống viêm của nó.
Còn theo một nghiên cứu mới nhất ở Anh, các nhà khoa học đã phát triển các hạt nano nhỏ từ nọc độc của ong để tiêm thẳng vào đầu gối bị đau. Các peptide, được gọi là melittin trong các hạt nano này có tác dụng chống viêm mạnh mẽ và ngừng việc phá hủy sụn. Các chuyên gia đã thử nghiệm tiêm nọc độc ong vào những con chuột, kết quả là tình trạng viêm xương khớp của chuột được giảm đi nhanh chóng.
Dùng giun sán để chữa viêm ruột
Các nhà khoa học Mỹ hiện đang thử nghiệm một phương pháp điều trị mới đem lại nhiều kết quả khả quan và "bí kíp" của phương pháp này liên quan đến… giun sán. Sau khi thực hiện một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy ở heo những cá thể nhiễm giun kí sinh bị tiêu chảy ít hơn. Một bệnh nhân ở Mỹ bị viêm loét ruột nặng đã tình nguyện nuốt nhiều loại trứng kí sinh với mong muốn mình mau khỏi bệnh. Và kết quả ngoài mong đợi, tình trạng bệnh nhân thuyên giảm nhanh chóng, tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang tiến hành theo dõi diễn biến bệnh.
Theo giáo sư Gerard Mullin – giám đốc dịch vụ dinh dưỡng tích hợp tại ĐH Johns Hopkins – cho biết, sở dĩ giun sán có thể khiến bệnh tình thuyên giảm là do ruột tạo ra chuỗi phản ứng, dựa trên hệ thống miễn dịch ở người. Khi nhiễm giun, ruột phản ứng bằng cách tiết thêm chất nhầy nhằm chống lại các vết loét do viêm nhiễm. Ông cũng cho biết thêm, chính thói quen tẩy giun định kì của chúng ta đã góp phần khiến… số lượng người mắc viêm ruột gia tăng.
Hiện nay, các nhà khoa học Mỹ vẫn đang nghiên cứu và họ mong rằng sẽ sớm cho ra đời một loại nước uống chứa đến hàng ngàn trứng giun tóc của heo nhằm phục vụ riêng cho những người bị viêm ruột. Người bệnh sẽ chỉ phải uống loại nước này hai lần trong vòng một tháng. Tuy nhiên, dù biết để chữa bệnh nhưng hiếm người nào đủ dũng cảm để uống cốc nước toàn trứng giun như thế này.
Chữa giang mai bằng khuẩn sốt rét
Ngày nay, bệnh giang mai có thể dễ dàng chữa trị không để lại di chứng nếu được phát hiện kịp thời. Nhưng trong quá khứ, đây là căn bệnh khá nguy hiểm và cách chữa bệnh này cũng nguy hiểm không kém – đó là sử dụng khuẩn sốt rét – căn bệnh có thể giết chết hàng triệu người.
Người đưa ra phương pháp điều trị này là một bác sĩ người Áo – Julius Wagner-Jauregg (1857 – 1940). Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ, bởi nhiều người cho rằng, phương pháp này giống như việc diệt chuột trong nhà bằng… rắn độc.
Tuy nhiên vào thế kỷ XX, người ta đã sớm biết bệnh giang mai là do vi khuẩn gây nên, nhưng lại không có đủ kháng sinh để điều trị. Trong khi đó, nếu để lâu, giang mai sẽ biến chứng vào thần kinh, dẫn đến suy thoái não, động kinh, mất kiểm soát đường ruột, tiêu chảy… thậm chí là tử vong. Bác sĩ Wagner đã phát hiện ra, khuẩn giang mai có thể bị tiêu diệt bởi một cơn sốt cao và không gì tốt hơn một trận sốt rét đúng lúc. Và cuối cùng, vào năm 1917, ông cho bệnh nhân bị giang mai mắc sốt rét. Khuẩn sốt rét sẽ gây sốt cao, nuốt chửng xoắn khuẩn giang mai rồi sau đó, bác sĩ điều trị căn bệnh sốt rét cho bệnh nhân. Phải nói thêm rằng, vào thời điểm đó, giới y học đã phát triển khá thành công loại thuốc chữa sốt rét. Nhờ vậy mà bác sĩ Wagner đã đạt giải Nobel Y học vào năm 1927.
Massage bằng rắn
Nghe có vẻ kì dị nhưng sự thật thì bà Ada Barak (Israel) đã sở hữu một cửa tiệm cung cấp dịch vụ massage bằng rắn và có khá đông khách hàng ghé vào trị liệu mỗi ngày. Tại đây, khách hàng sẽ được 6 con rắn trườn quanh khắp lưng, tận hưởng cảm giác thoải mái, dễ chịu.Theo Bà Barak, bà nảy ra ý tưởng này khi nhận thấy bạn bè của mình có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn khi chơi với những con rắn bà nuôi ở nhà.
Rắn vua, rắn ngô và rắn sữa đến từ California và Florida (Mỹ) chính là những loài rắn được sử dụng để massage. Những loài rắn lớn được dùng để điều trị những chỗ bị đau cơ, co rút cơ bắp. Những con nhỏ hơn được dùng để tạo hiệu ứng massage rung.
Chữa vết thương bằng giòi
Một nghiên cứu đến từ các nhà khoa học Pháp vào năm 2012 đã chỉ ra rằng, vết thương của bệnh nhân được chữa trị bằng giòi sẽ được làm sạch nhanh hơn và có ít mô chết hơn so với những phương pháp thông thường. Đồng thời, bệnh nhân cũng không phải chịu nhiều đau đớn so với dung dịch sát trùng.
Nhiều nền văn hóa trong lịch sử đã sử dụng liệu pháp này để nhằm giúp chữa lành vết thương như: thổ dân châu Mỹ, thời Napoleon và trong giai đoạn nội chiến Mỹ. Với cách này, người ta sẽ đặt những con giòi vào vết thương hở và để chúng tiết ra chất dịch tiêu hóa. Chất dịch này có khả năng phá vỡ kết cấu của tế bào chết nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên những mô khỏe mạnh. Tuy có phần ghê rợn nhưng phương pháp này lại được các bác sĩ ưa chuộng bởi chất nhầy của con giòi làm sạch vết thương rất hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể chứng minh được liệu giòi có thật sự giúp vết thương mau lành hay giúp kháng khuẩn hiệu quả hay không.
Dùng đỉa hút máu để chữa bệnh
Vào thời trung cổ và khoảng thời gian đầu của y học hiện đại thì liệu pháp hút máu bằng đỉa để chữa bệnh được sử dụng khá phổ biến. Theo đó, người ta dùng liệu pháp này để tránh vết thương bị nhiễm trùng, hạ sốt và chữa trị hầu như mọi chứng đau nhức khác.
Theo các nhà khoa học thì trong nước dãi của đỉa có chứa một lượng lớn thành phần giảm đau, gây tê và làm loãng máu, giúp bệnh nhân chống chọi với những cơn đau và viêm nhiễm. Điều đặc biệt là, con đỉa phải hút đủ lượng máu khiến người bệnh có thể… ngất đi thì quá trình trị liệu mới được coi là thành công và đạt kết quả.
Ngày nay, mặc dù vẫn còn nhiều căn bệnh có thể "làm khó" nền y học nhưng ít ai ngờ trong lịch sử của ngành y học thế giới đã từng tồn tại những phương pháp chữa bệnh cực kì kinh hãi như thế, bạn nhỉ! Bạn muốn một cơ thể khỏe mạnh? Đừng quên truy cập Bestie mỗi ngày để có thêm nhiều thông tin hữu ích cho sức khỏe bạn nhé!