Uống một tách cà phê thơm ngon vào buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới là thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người trên thế giới, nhưng liệu rằng đây có phải là một thói quen tốt cho sức khỏe không?
Cà phê có thể cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, nhưng theo các chuyên gia, mới "bảnh mắt" ra mà đã uống ngay 1 tách cà phê lúc chưa ăn gì thực sự là ý tưởng tồi tệ.
Gia tăng mức độ căng thẳng
Các chuyên gia cho biết, uống cà phê buổi sáng có thể khiến não tăng hormone cortisol – hormone gây căng thẳng có xu hướng lên cao 50%, từ đó tăng mức độ căng thẳng của bạn. Ngoài ra, việc này còn có thể gây tổn hao năng lượng, mất ngủ, thậm chí là tăng huyết áp. Theo tài liệu tổng hợp của kênh YouTube ASAP Science cũng cho thấy, buổi sáng không phải là thời gian lí tưởng để uống cà phê.
Cà phê ức chế sự thèm ăn, đó là lí do tại sao nhiều người uống cà phê khi dạ dày trống rỗng thường bỏ qua luôn bữa ăn sáng. Tuy nhiên, việc bỏ bữa sáng sẽ khiến cơ thể không thể sản sinh ra serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh khiến bạn cảm thấy hạnh phúc mãn nguyện và duy trì sự tỉnh táo, điềm đạm.
Ngoài việc giúp điều tiết tâm trạng, serotonin cũng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn trong ngày. Đặc biệt, cơ thể sẽ chuyển hóa serotonin thành melatonin vào lúc cuối ngày. Nếu lượng melatonin nhiều thì bạn sẽ có giấc ngủ đêm tốt. Điều đó có nghĩa là uống cà phê khi đói bụng sẽ khiến tâm trạng của bạn trở nên căng thẳng và dễ cáu gắt hơn vào buổi sáng, kéo theo nguy cơ mất ngủ vào buổi tối.
Khiến hệ tiêu hóa gặp vấn đề
Khi uống cà phê vào lúc bụng đói, chất caffeine sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Lúc đó, bạn sẽ có cảm giác đầy bụng đi kèm các triệu chứng khác như bị kích thích đường ruột và thậm chí dẫn đến đau đớn. Bên cạnh đó, việc uống cà phê khi dạ dày đang trống rỗng cũng có thể gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa. Nhà sản xuất dược phẩm Lloyds Nitin Makadia giải thích: "Cà phê, ngay cả khi không chứa caffeine cũng có thể kích thích sản xuất axit. Nhất là khi đói, uống cà phê có thể làm tổn thương đến lớp màng trong dạ dày".
Theo Tiến sĩ Adam Simon: "Uống cà phê lúc đói có thể dễ gây ra các triệu chứng mất nước, đồng thời có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây tình trạng nhịp tim bất thường bằng cách gây áp lực lên tim, ảnh hưởng xấu đến huyết áp. Ngoài ra, uống cà phê vào thời điểm này trong ngày còn có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc khó tiêu".
Chất caffeine sẽ kích thích tuyến thượng thận của bạn, khiến nó sản sinh ra các hormone căng thẳng là adrenalin và cortisol. Hai kích thích tố này sẽ tạo thành một phản ứng được gọi là "chiến đấu hay bỏ chạy". Phản ứng này sẽ rất tuyệt vời khi bạn đang chuẩn bị tham gia một cuộc thi chạy việt dã nhưng nó lại hoàn toàn không cần thiết nếu bạn đang ngồi trong văn phòng hoặc chuẩn bị thưởng thức bữa sáng của mình. Để chuẩn bị cho cơ thể vào trạng thái sẵn sàng chạy, các hormone trên sẽ kích thích tim và gan hoạt động tối đa để gia tăng lượng đường trong máu nhằm cung cấp năng lượng cho cơ bắp, đồng thời huyết áp cũng tăng lên theo. Song song đó, hệ tiêu hóa cũng ngừng hoạt động để dồn nguồn năng lượng cần thiết cho tứ chi.
Thế nên theo các chuyên gia, ngay sau khi thức dậy, bạn nên bắt đầu ngày mới bằng cách uống một ly nước ấm hoặc một ly nước chanh pha mật ong. Loại thức uống này sẽ đánh thức hệ thống tiêu hóa một cách nhẹ nhàng và giúp cơ thể loại bỏ độc tố tích tụ suốt đêm qua. Sau đó, nếu bạn thật sự cần một tách cà phê để bắt đầu ngày mới thì nên chờ ít nhất 1 tiếng rưỡi tính từ lúc thức dậy mới uống ly cà phê đầu tiên trong ngày.
Thời gian nào thích hợp nhất để nhâm nhi cà phê?
Theo các nhà khoa học, thời gian từ 10 – 11h30 là lúc tốt nhất để chúng ta uống cà phê. Các chuyên gia cho biết, ở thời điểm này, mức độ cortisol của cơ thể có chiều hướng giảm xuống, vì thế đây được xem là khoảng thời gian an toàn để nhâm nhi một tác cà phê. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 12h – 13h lại là thời gian không thích hợp để chúng ta uống cà phê vì lúc này mức cortisol trong cơ thể đã tăng cao trở lại. Thế nhưng đến khi kim đồng hồ chỉ về con số từ 5h30 – 6h30 thì lúc này lại là thời gian thích hợp để bạn có thể nhâm nhi cà phê.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, bạn không nên uống cà phê trong hoặc ngay sau bữa ăn bởi các hoạt chất có trong cà phê có thể cản trở sự hấp thu sắt của cơ thể. Ngoài ra, nếu là một người dễ bị mất ngủ, bạn cũng đừng bao giờ uống cà phê vào buổi tối bởi caffeine có thể khiến tình trạng này của bạn càng thêm trầm trọng.
Những cách giúp tỉnh táo mà không cần dùng cà phê.
Hi vọng thông tin trên đây sẽ giúp bạn biết thưởng thức những tách cà phê đúng thời gian hơn để cơ thể luôn tràn đầy hứng khởi mỗi ngày. Bạn muốn một cơ thể khỏe mạnh? Đừng quên truy cập Bestie mỗi ngày để có thêm nhiều thông tin hữu ích cho sức khỏe bạn nhé!