Nghiên cứu về bệnh tật của các nhân vật nổi tiếng, người ta tình cờ phát hiện ra rằng, một số nhà bác học, nhà chính trị hay thiên tài hội họa, văn học tuy ở các thời đại khác nhau nhưng cùng mắc một căn bệnh nào đó giống nhau.
Đầu thế kỉ 20 đã có giả thuyết cho rằng: những con người xuất chúng thường mắc một căn bệnh đặc biệt, chính căn bệnh đó đã tác động khiến họ có những khả năng phi thường về trí tuệ.
Bệnh tự kỉ
Y học thế giới đã chứng minh, tự kỉ là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp, ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại. Những dấu hiệu này thường phát triển dần dần, mặc dù một vài trẻ mắc chứng tự kỉ vẫn đạt mốc phát triển với tốc độ bình thường và sau đó giảm dần. Trên toàn cầu, tự kỉ được ước tính ảnh hưởng đến 21,7 triệu người tính đến năm 2013. Tính đến 2010, số lượng người bị ảnh hưởng của bệnh ước tính khoảng 1-2/1000 toàn cầu.
Nhưng bệnh tự kỉ cũng xuất hiện ở một số thiên tài nổi tiếng tiếng thế giới. Giáo sư tâm thần học Michael Fitzgerald của Đại học Trinity tại Ireland, cho rằng các đặc điểm liên quan tới hội chứng tự kỉ giống hệt các đặc điểm mà người ta thường thấy ở các thiên tài. Nhà vật lí Isaac Newton (Anh), nhà vật lí Albert Einstein (Mĩ), nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (Đức), nhà văn George Orwell (Anh), thiên tài âm nhạc Mozart (Áo), nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch)… nằm trong số những tài năng có một số biểu hiện của bệnh tự kỉ.
GS. Fitzgerald đã so sánh những đặc điểm tính cách của khoảng 1.600 người mắc bệnh tự kỉ còn sống và nhiều người nổi tiếng trong lịch sử để khẳng định mối liên hệ giữa bệnh tự kỉ, khả năng sáng tạo và thiên tài đều có nguồn gốc từ gene.
Mặc dù GS. Fitzgerald khẳng định: "Tôi cho rằng những gen gây nên bệnh tự kỉ cũng chính là những gene làm nên thiên tài", nhưng không vì thế mà chúng ta lại hiểu sai lệch rằng: Tất cả những người tự kỉ đều trở thành thiên tài.
Ludwig van Beethoven
Mozart
Chứng ghét âm thanh
Misophonia hay còn gọi là chứng “ghét âm thanh”, là tình trạng mà một người có thể nổi điên bởi những âm thanh nhỏ nhặt như tiếng nhai thức ăn, nhai kẹo cao su, nhai bỏng ngô…
Một nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Newcastle (Anh) đã chụp MRI não bộ những người mắc hay không mắc chứng bệnh misophonia trong khi nghe 1 âm thanh. Kết quả cho thấy, họ đã ghi nhận những thay đổi đáng kể ở hoạt động của não bộ những người bị misophonia khi họ nghe những âm thanh, tiếng động phát ra khi ăn.
Theo đó, những người bị misophonia đã có sự phát triển khác biệt ở phần thùy não trước, làm cho bộ não của họ phản ứng tiêu cực với những kích động âm thanh này. Nó cũng làm họ toát mồ hôi và tăng nhịp tim.
Người mắc misophonia sẽ cảm thấy không thể chịu đựng nổi trước các âm thanh như vậy và họ sẽ phản ứng lại. Lúc này, người khác đơn giản chỉ cho là họ đang nhạy cảm quá, thậm chí là "quá khó tính để chơi cùng". Và hệ quả là những mối quan hệ của họ dần tan vỡ.
Không chỉ vậy, chứng Misophonia còn khiến công việc của bạn gặp rắc rối. Bạn dễ bị căng thẳng và thậm chí cảm thấy như tra tấn khi ngồi trong phòng làm việc có người phát ra thứ âm thanh này. Nó khiến bạn mất tập trung và ảnh hưởng tới năng suất làm việc.
Tuy là hội chứng chưa rõ nguyên nhân và chưa có thuốc chữa nhưng theo một nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mĩ) với hơn 100 đối tượng thì những người mắc phải Misophonia chính là dấu hiệu của một bộ não thông minh hơn người. Họ có sức sáng tạo cao hơn hẳn những người khác. Hơn nữa, độ sáng tạo còn tăng lên theo thời gian phải lắng nghe những âm thanh như thế.
Lịch sử đã cho thấy rất nhiều thiên tài cũng mắc phải chứng bệnh này. Ví dụ như Charles Darwin, Anton Chkhov, hay Marcel Proust. Họ đều là những vĩ nhân trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và tất cả đều phải bịt tai khi làm việc vì không chịu nổi những âm thanh nhỏ nhặt.
Charles Darwin
Bệnh dị ứng
Dị ứng được xác định là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất vô hại trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng. Các phản ứng này xảy ra nhanh chóng và có thể dự đoán được. Thực tế, dị ứng là một trong 4 hình thức của chứng mẫn cảm và được gọi là quá mẫn loại 1. Nó kích hoạt quá mức các tế bào bạch cầu mast và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, sốt, lên cơn hen suyễn, ngộ độc thức ăn, dị ứng xi măng và phản ứng với nọc độc của côn trùng như ong, muỗi, kiến…
Đây cũng là căn bệnh thường xuất hiện ở các nhà khoa học, thiên tài vĩ đại. Nhà phát minh vĩ đại Nikola Tesla, người Serbia (1856 – 1943), người có những phát minh mang tính cách mạng trong lĩnh vực điện từ vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 góp phần mở ra Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ hai trên thế giới, lại có biểu hiện dị ứng với nhiều dị nguyên. Ông cực kì ác cảm đối với ngọc trai (bất kì phụ nữ nào có đeo bông tai bằng ngọc trai nếu để cho Nikola nhìn thấy thì thế nào ông cũng cảm thấy lạnh xương sống và nhức đầu). Ngoài ra, Nikola cũng cảm thấy "ghê sợ" những người phụ nữ thừa cân, dị ứng với quần áo và cả tóc người. Thật sự đây là kiểu dị ứng rất cực đoan.
Nikola Tesla
Hội chứng Marfan
Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền có ảnh hưởng đến các mô liên kết, hỗ trợ và kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể. Bởi vì mô liên kết là một phần không thể thiếu của cơ thể, hội chứng Marfan có thể làm gián đoạn phát triển và chức năng của một số cơ quan. phổ biến nhất là tim, mắt, mạch máu và xương.
Những người bị hội chứng Marfan thường cao và gầy với cánh tay dài, chân, ngón tay và ngón chân không tương xứng. Hội chứng Marfan là do một gen trội, có nghĩa là gen trong cha mẹ có sẽ truyền cho con. Một đặc điểm nữa là hầu hết những người mắc hội chứng Marfan đều có khuôn mặt dài và hẹp. Đặc trưng lạ lùng trên là do những biến thể đặc biệt của cơ thể con người dưới tác động của hội chứng Marfan gây ra.
Nhiều nhà khoa học cho rằng chính sự biến đổi như vậy đã mang lại cho thế giới nhiều nhân vật xuất chúng. Có thể liệt kê nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới mắc hội chứng Marfan như tổng thống Mĩ Abraham Lincoln (1809-1865), nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, Hans Christian Andersen (1805-1875)…
Abraham Lincoln
Hans Christian Andersen
Bệnh viêm khớp
Viêm khớp cũng là căn bệnh mà các thiên tài khoa học trên thế giới thường xuyên mắc phải. Chính nhà di truyền học người Nga Vladimir Froismon đã dành nhiều thời gian để thống kê thành một danh sách những thiên tài bị ảnh hưởng của bệnh viêm khớp, trong đó có những tên tuổi lớn như Isaac Newton, Charles Darwin, Christophe Colomb, Galileo, Francis Bacon, Desiderius, Voltaire…
Theo nghiên cứu của Froismon, bệnh viêm khớp thường gây ra một lượng axit uric cao trong máu. Loại axit này là tác nhân kích thích bộ óc làm việc mạnh mẽ. Thành phần của axit uric cũng tương tự như thành phần của chất caffein và theobromin, những chất kích thích có trong cà phê và chè.
Hiện tượng nhiều axit uric trong máu không chỉ giúp làm tăng khả năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lí học, hóa học, thiên văn học mà còn thúc đẩy các nhà hoạt động xã hội và tài năng nghệ thuật, văn chương phát triển. Danh sách những người chịu ảnh hưởng của bệnh viêm khớp còn có các danh họa như Michel Angelo, Rembrandt, thiên tài âm nhạc Beethoven và nhà chính trị nổi tiếng người Đức Otto Bismarck.
Isaac Newton
Christophe Colomb
Bệnh rối loạn tâm thần
Ranh giới mong manh giữa thiên tài và người tâm thần không phải chỉ là những giai thoại khi một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra mối liên kết giữa hai thái cực của tâm trí con người: khả năng sáng tạo và chứng rối loạn tâm thần. Giáo sư Kay Redfield Jamison, một nhà tâm lí học lâm sàng thuộc Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết kết quả của 20 đến 30 nghiên cứu khoa học đều xác nhận kết luận này.
Còn theo nhà sinh học thần kinh James Fallon đến từ Đại học California, Irvine thì: "những người mắc rối loạn lưỡng cực có xu hướng nảy sinh sự sáng tạo khi họ đang trong tâm trạng buồn phiền và tuyệt vọng". Khi tình trạng này được cải thiện, hoạt động của não cũng thay đổi theo: các hoạt động sẽ mất dần ở vùng dưới thùy trán và "lóe sáng" ở vùng cao hơn. Vào thời kì hưng cảm, họ sẽ có những lúc xuất thần tạo nên tuyệt phẩm mà một người bình thường không thể nào làm được.
Có thể dẫn chứng điều này khi có nhiều thiên tài vĩ đại trong lịch sử nhân loại như họa sĩ Vincent van Gogh, đại văn hào Virginia Woolf hay Edgar Allan Poe, đều mắc chứng bệnh tâm thần.
Vincent van Gogh
Bệnh động kinh
Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky không mắc bệnh động kinh thuỳ thái dương thì văn học Nga thế kỉ 19 chắc không thể phong phú đến vậy. Dostoevsky đã trải qua hơn 100 cơn co giật trong suốt 20 năm cuối đời. Chính sau những cơn động kinh đó ông đã viết ra những tác phẩm nổi tiếng với các nhân vật bị mắc bệnh động kinh như nhân vật Smirdyakov trong tiểu thuyết Anh em Karamazov, hoàng tử Myshkin trong Kẻ ngu dốt… Ngoài văn hào Nga Dostoevsky, danh sách những tài năng xuất chúng khác được cho là có liên quan đến căn bệnh động kinh còn khá dài, bao gồm: nhà triết học Socrates – ngọn đuốc tư tưởng phương Tây; hoàng đế La Mã Julius Caesar – người đã từng có lần bị co giật ngã xuống sông Tiger, rồi Đại đế Alexander, Napoleon, Soren Kierkegaard – cha đẻ thuyết hiện sinh, các nhà soạn nhạc kì tài Handel, Paganini và Tchaikovsky cũng đều là nạn nhân của bệnh này.
Triết gia Aristotle là người đầu tiên đặt mối liên hệ giữa động kinh và óc sáng tạo. Ông cho rằng chính các cơn co giật động kinh đã có uy lực mạnh mẽ tác động đến óc sáng tạo hoặc khả năng thần kì. Tuy nhiên, vào thời của Aristotle, không ai đi sâu tìm hiểu mối liên hệ này. Cho đến thời hiện đại, trong lúc nhiều người cho rằng sự gặp gỡ giữa tài năng đặc biệt và căn bệnh động kinh trong một con người chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì đã có một số nhà khoa học đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Mới đây nhất, các nhà khoa học Pháp tuyên bố đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh động kinh và thiên tài ở một số người. Giáo sư Eve la Plante cho rằng sự hoạt động bất thường của não ở bệnh động kinh có vai trò trong sự suy nghĩ sáng tạo. TS. Paul Spiers cũng có lập luận tương tự: co giật làm bùng lên xung điện ở các vị trí khác nhau của phần não về cảm xúc cũng như trí nhớ. Nhà phân tâm học David Bear nhận thấy sự hoạt động bất thường trong bệnh động kinh có thể kết nối nhiều hoạt động thần kinh. Ngoài việc dễ bị ảo tưởng, bệnh động kinh còn kéo theo chứng ham thích viết lách. Khao khát viết và viết liên tục, hoạ sĩ huyền thoại Van Gogh là biểu hiện rõ nét của căn bệnh này. Ông vẽ không ngừng và viết cho anh trai nhiều bức thư mỗi ngày.
Tchaikovsky
Cho đến nay, danh sách các thiên tài được sinh ra từ một căn bệnh nào đó đã được hầu hết giới khoa học ở châu Âu và Bắc Mỹ nhất trí thừa nhận. Danh sách này bao gồm cả thảy 400-500 tên tuổi trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh chúng ta. Tuy vậy, dù cho các nhà di truyền học, y học, các nhà tâm lý học có cố gắng đến mấy để tìm hiểu bản chất của mối liên hệ giữa bệnh tật và thiên tài thì họ cũng sẽ mãi mãi không bao giờ làm sáng tỏ được vấn đề mấu chốt: làm thế nào để tạo ra được những con người xuất chúng!