Các món sấu ngâm vô cùng ngon và hấp dẫn, một loại để giải nhiệt, một loại để ăn kèm cơm mà thú vị vô cùng. Các cách ngâm sấu rất đơn giản.
Mùa hè không chỉ có những trái mận, đào, vải thơm ngon mà bên cạnh đó sấu cũng là thứ quả đặc trưng của mùa này. Những quả sấu xanh ngắt, như những chiếc cúc áo xinh xinh yên vị ở trên cành cây cao vút ấy đã trở thành một nguyên liệu chế biến các món ăn thơm ngon phục vụ đời sống con người.
Sấu có thể nấu canh chua, làm ô mai, mứt hay là món vịt om sấu hoặc đem ngâm. Có hai cách ngâm sấu mà chị em vô cùng yêu thích là ngâm đường lấu nước uống, ngâm nước mắm để tạo thành món ăn kèm trong bữa cơm vô cùng hấp dẫn.
2 cách làm sấu ngâm này cũng vô cùng đơn giản, dễ làm, chị em chỉ cần chuẩn bị một xíu đơn giản nguyên liệu là được.
Sấu có thể nấu canh chua, làm ô mai, mứt hay là món vịt om sấu hoặc đem ngâm
I. SẤU NGÂM ĐƯỜNG (NƯỚC SẤU)
Nguyên liệu:
– Sấu: 1 kg
– Đường: 800g
– Muối: 100g
– Gừng: 50g
– Lọ thủy tinh
Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu:
+ Cách chọn sấu:
– Nhiều người chưa có kinh nghiệm thường thích những quả sấu xanh mướt, da mịn, trơn bóng nhưng thực chất những quả sấu này còn non, chỉ nên mua một ít về nấu canh hoặc chế biến trong vài ngày. Sấu non có nhiều thịt nhưng hạt lại mềm nên nếu để ngâm rất dễ bị ủng. Vì thế, để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em nên chọn loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần.
– Hoặc cũng có thể chọn loại sấu bánh tẻ vì lúc này thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, nên chỉ cần dùng ít quả mà vẫn được nồi canh ngon lành.
– Không nên chọn quả sấu quá già, hạt to, thịt sấu mỏng, chỉ gần gọt quả vỏ cũng đã vào gần đến hạt.
– Khi chọn, chị em chọn kỹ từng quả một để có được những quả sấu đủ tiêu chuẩn và không thâm, dập, thối.
Khi chọn, chị em chọn kỹ từng quả một để có được những quả sấu đủ tiêu chuẩn và không thâm, dập, thối.
+ Các vật dụng ngâm sấu cần sạch, khô
– Lọ thủy tinh hay bất cứ vật dụng gì để dự trữ sấu ngâm cần phải sạch và khô ráo. Để an toàn tốt nhất chị em vẫn nên dùng lọ thủy tinh để đựng. Trước khi ngâm, tráng lọ thủy tinh bằng nước sôi thì khi ngâm sấu, sấu không bị màng hỏng.
– Tay khi làm sấu cũng cần khô ráo, sạch sẽ, không dính nước.
Cách làm:
– Sấu gọt vỏ, rửa sạch, dùng dao gọt vòng quanh quả sấu, sấu sẽ nhanh ngấm đường, ngon đậm đà hơn. Ngâm sấu vào chậu nước có pha 100g muối hạt khoảng 30 phút cho sấu ra hết nhựa, vớt ra rổ, rửa sạch với nước lạnh.
– Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập.
– Đun sôi một nồi nước, thả sấu vào chần nhanh, rồi nhanh tay vớt sấu ra để ráo nước (không chần lâu làm sấu mềm hoặc nhũn).
– Cho sấu vào một chiếc nồi, thêm 800g đường, xóc đều rồi ngâm tới khi đường tan hết (ngâm sấu qua đêm).
– Sau khi đường tan hết, lấy quả sấu bỏ vào lọ thủy tinh, còn nước sấu thì cho lên bếp đun sôi thật kỹ. Dùng đũa khuấy nhẹ để đường còn sót lại sẽ tan hết. Sau đó cho gừng vào khuấy đều rồi tắt bếp.
– Để nước đường thật nguội rồi mới rót vào từng lọ thủy tinh đã xếp sẵn sấu. Bảo quản nước sấu ngâm nơi thoáng mát và dùng dần.
Yêu cầu thành phẩm:
– Nước sấu hơi sánh, có vị ngọt đậm, thơm mùi sấu đặc trưng, để khi pha với đá là vừa.
– Sấu giòn, ăn ngon và chua thanh nhẹ rất hấp dẫn.
Cách thưởng thức:
– Khi thưởng thức, bạn pha nước sấu ngâm đường với một ít nước lọc, cho thêm đá viên sao cho vừa miệng và vài trái sấu vào dùng kèm, có thể cho thêm một ít chanh tươi để làm tăng khẩu vị của thức uống hấp dẫn này cũng rất ngon miệng.
Cách bảo quản:
– Nước sấu bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, đậy kín nắp và dùng trong cả mùa hè.
– Khi lấy sấu cần dùng muôi sạch, khô để múc tránh cho sấu bị màng.
II. SẤU NGÂM MẮM
Nguyên liệu:
– Sấu bánh tẻ: 300gr (cách chọn sấu như ở trên).
– Nước
– Mắm ngon
– Chút muối hạt
– Tỏi, ớt
Cách làm:
– Sấu gọt vỏ hoặc cạo. Thực tế, để tranh thủ thời gian, ở chợ có máy cạo vỏ sấu rất nhanh, bạn chỉ việc thuê làm, về chỉ việc làm thôi. Sấu sau khi cạo vỏ, đem ngâm cùng nước muối loãng trong khoảng 30 phút cho ra hết nhựa.
– Sau đó xả sạch lại với nước. Đun sôi 1 nồi nước nóng già, tắt bếp, thả sấu vào chần qua rồi đổ ra rá để thật nguội.
– Tỏi bóc vỏ, ớt bỏ cuống, rửa sạch để ráo.
– Mắm và nước lấy tỉ lệ 1 mắm : 1 nước với lượng vừa đủ để ngâm ngập quả sấu, cho vào nồi đun sôi, trước lúc tắt bếp thả ớt, tỏi vào, rồi tắt bếp để nguội.
– Khi cả hỗn hợp nước mắm và sấu đã nguội thì thả sấu vào lọ đã rửa sạch tráng qua nước đun sôi, đổ hỗn hợp mắm vào ngâm khoảng 3-5 ngày là sấu ăn được.
Với cách làm sấu ngâm mắm như thế này đảm bảo bạn sẽ có món ăn kèm rất hấp dẫn.
Yêu cầu thành phẩm:
Nước mắm thơm ngon, vẫn đậm đà lại có vị chua thanh của sấu, có thể dùng để chấm rau củ quả luộc.
Quả sấu giòn, ngon, chua nhẹ, có chút cay của ớt, thơm của tỏi.
Cách ăn sấu ngấm mắm:
– Khi ăn, đem quả sấu ra cắt miếng cho ra bát, múc các nước mắm ngâm vào.
– Sấu ăn kèm cơm. Còn nước mắm ngâm dùng để chấm rau củ quả hoặc các món thịt luộc rất hấp dẫn.
Cách bảo quản:
– Bảo quản trong tủ lạnh, dùng dần.
– Khi nào lấy ăn cần dùng đĩa, thìa sạch, khô ráo để lấy tránh cho sấu bị màng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
1. Cách bảo quản sấu ăn dần cả năm
Vì mùa sấu chỉ kéo dài từ 2-3 tháng cho nên hết mùa sấu cần phải bảo quản để có thể ăn sấu quanh năm. Chị em hãy tham khảo một số thông tin dưới đây để biết cách bảo quản:
– Sấu đem cạo vỏ chứ không gọt, rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại. Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị hơi chát của vỏ.
– Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.
Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.
– Nếu ngại gọt vỏ, bạn có thể tìm đến hàng chuyên chà vỏ sấu, máy chà sẽ làm rất nhanh và đều nhau.
– Lưu ý, không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh. Để cả túi to như vậy sẽ khiến mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Vì vậy, hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ, với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
– Với sấu chín sẽ không còn nhựa, nên không cần cắt cuống hay cạo vỏ, bạn chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.
2. Thêm món ăn từ sấu: Vịt om sấu
Nguyên liệu:
– Vịt: 1kg
– Sấu: tùy theo sở thích, nếu thích ăn vị chua rõ thì bạn nấu từ 10-12 quả.
– Rau rút, khoai sọ
– Gừng, tỏi, hành khô, sả, riềng, chanh…
– Gia vị, muối, đường…
Cách nấu vịt om sấu:
Rau rút nhặt sạch bấc, bóc vỏ hành tỏi, gừng riềng, sả đập dập. Vịt mua về rửa sạch với nước lạnh, sau đó rửa lại với ½ quả chanh để vịt hết hẳn mùi hoi. Chặt hoặc cắt miếng to bằng bao diêm.
Ướp vịt với hỗn hợp hành, tỏi, sả, riềng, 1 thìa muối gia vị, 1 thìa cafe đường trong khoảng 30 phút cho thịt ngấm.
Khoai sọ gọt vỏ, ngâm nước để khoai ra hết nhớt. Thịt đã ướp đủ thời gian các bạn xào qua, sau đó thêm lượng nước dùng vừa đủ ăn và đun sôi liu riu. Thêm sấu vào om đến khi thử thấy vịt đã chín mềm.
Khi vịt chín thì cho khoai sọ vào đun tới khi khoai chín bở, tiếp tục cho rau rút vào để rau vừa chín tới, nêm nếm lại gia vị vừa miệng ăn rồi tắt bếp. Món vịt om sấu ăn cùng cơm hoặc bún đều ngon.
Theo Khám phá