Những sai lầm này rất nhiều bố mẹ Việt vẫn đang mắc phải khi cho con ăn dặm và nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển chiều cao, cân nặng cũng như hình thành thói quen ăn uống thiếu lành mạnh cho trẻ.
Sai lầm 1: Nước hầm xương cung cấp nhiều canxi cho bé
Trong nghiên cứu về mật độ chất dinh dưỡng của nước hầm xương, GS.BS. McCance, Bệnh viện King’s College London, Anh Quốc đã cho thấy: nước hầm xương có hàm lượng canxi là 12.30 – 67.7 mg canxi/240ml nước hầm xương. Nếu so với sữa tươi thì thấp hơn rất nhiều vì sữa tươi có 281- 303 mg canxi / 240ml sữa tươi.
Năm 2014, TS. BS. Dinh dưỡng Daniel báo cáo hàm lượng canxi của nước hầm xương bò là 14mg canxi/240ml và 9mg canxi/240ml nước hầm xương gà. Điều này cho thấy nếu bé dùng 240ml nước hầm xương thì hàm lượng canxi trong nước hầm xương cung cấp chưa tới 1.5% so với lượng quy định RDA (nhu cầu canxi hằng ngày của bé).
Như vậy, nếu xem việc dùng nước hầm xương như một nguồn cung cấp canxi cho bé là chưa hiểu đúng. Hơn nữa trong 1 nghiên cứu năm 2013, GS.BS. Monro, Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng Hertfordshire, Anh Quốc đã cho thấy hàm lượng kim loại chì tìm thấy cao hơn trong nước hầm xương gà (hàm lượng chì 7.01 -9.5 μg/lít) so với nước máy (hàm lượng chì trung bình 0.89 μg/lít). Như vậy, nếu dùng nước hầm xương gà nấu cháo thì có thể dư kim loại chì so với dùng nước máy bình thường nấu cháo.
Hướng dẫn hiện tại, chúng tôi khuyên cha mẹ nên cho bé ăn cháo với thịt vì sẽ cung cấp đủ chất đạm và nhiều chất dinh dưỡng cân bằng khác. Không nên chỉ cho bé ăn dặm bằng cháo nấu với nước hầm xương vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước hầm xương là thấp, đặc biệt canxi.
Nước hầm xương không phải là nguồn cung cấp tốt canxi cho phát triển xương của bé. Nên lựa chọn những thực phẩm giàu canxi khác như sữa, phô mai, cá, tôm…
Hạn chế dùng nước hầm xương nấu cháo cho bé dưới 1 tuổi vì nguy cơ nhiễm độc kim loại chì, đặc biệt với nước hầm xương gà. Dư kim loại chì liên quan đến vấn đề tiêu hóa, chậm phát triển trí não, bệnh tự kỉ và trầm cảm ở trẻ em.
Sai lầm 2: Nêm muối hay nước mắm làm bé thích ăn hơn
Viện Nhi khoa của Mỹ và Hiệp Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh khuyên rằng: không thêm bất kì đường, muối, bột nêm hoặc nước mắm (thậm chí nước mắm trẻ em) vào thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi. Điều này để giúp bé không bị rối loại vị giác, dẫn đến thiên về 1 vị hoặc biếng ăn kéo dài. Hơn nữa hướng dẫn này cũng muốn bảo vệ khả năng lọc của thận bé vốn còn chưa hoàn chỉnh và rất non nớt.
Vị thích hợp nhất của bé dưới 1 tuổi là vị của sữa mẹ hoặc vị của rau củ quả thịt cá tự nhiên. Chỉ cần 1 lần các bạn cho bé ăn 1 vị lạ (như bánh ngọt hay nêm muối). Có thể bạn thấy bé sẽ rất thích ăn 1 vài bữa, nhưng 1 thời gian ngắn sau đó bé bị rối loạn vị giác, lúc này bé có thể chỉ thích ăn loại đó và không ăn bất cứ gì, hoặc bé sẽ không ăn gì cả kể cả sữa mẹ (thường gặp ở những bé quá nhạy cảm).
Sai lầm 3: Bé ăn yến mạch tốt hơn gạo
Trong hướng dẫn về ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi, Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng Anh Quốc có viết về thứ tự tinh bột cho các bé Châu Á: gạo nên là dạng tinh bột đơn đầu tiên phù hợp với các bé Châu Á, khi đã quen dần với gạo, có thể giới thiệu yến mạch. Yến mạch cũng giống như bún, mì nên giới thiệu như 1 vài bữa thay cháo trong tuần, 2 bữa/tuần, không nên thay thế cháo hoàn toàn (Theo Nutrition source center 2013).
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester-Anh)