Lễ hội Xuân 2019 và Tuần Văn hóa – Du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” chính thức diễn ra từ ngày 14/2 đến hết ngày 20/2 (tức là ngày 10 đến 16 tháng Giêng Xuân Kỷ Hợi). Hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang dấu ấn đặc trưng của tỉnh Bắc Giang đồng loạt sẽ được tổ chức trên địa bàn nhiều huyện, thành phố.
Cơ hội thưởng thức tinh hoa văn hoá địa phương của du khách
Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa – Du lịch 2019 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó trọng tâm là các huyện: Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang.
Tại huyện Sơn Động sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Khai mạc hội xuân Tây Yên Tử, Tuần Văn hóa – Du lịch; lễ khánh thành chùa Thượng và giai đoạn 1 Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử; triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm; ra mắt cuốn sách “Di sản danh thắng vùng Tây Yên Tử”.
Cũng tại đây diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh “Bắc Giang quê hương tôi” năm 2018 và phát động cuộc thi năm 2019; cuộc thi ảnh đẹp “7 ngày khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” lần thứ I; trưng bày ảnh đẹp “Bắc Giang quê hương tôi” năm 2017, 2018. Cùng đó là Hội trại văn hóa, du lịch và một số hoạt động hấp dẫn khác.
Huyện Yên Dũng tổ chức lễ rước tượng Phật từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử (Sơn Động); trưng bày và giới thiệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương; giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh Non Vua, trong đó có tổ chức cuộc thi ảnh Marathon lần thứ I tại khu Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Ở huyện Lục Nam tổ chức khánh thành đền Hạ thuộc Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; liên hoan hát Văn lần thứ II; khai hội đền Thần Nông, xã Cẩm Lý. Dịp này, huyện Lục Ngạn tổ chức lễ hội vùng cao Tân Sơn, trong đó có hội hát Soong hao, phiên chợ vùng cao. TP Bắc Giang tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” với khoảng 250 đại biểu, nhà thơ trong và ngoài nước tham dự; hội thảo liên kết tour đi Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.
Hệ thống Di tích Tây Yên Tử có giá trị nổi bật trên nhiều phương diện, gắn với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII. Từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm ngược lên sườn Tây Yên, từ đồng bằng lên non cao là hàng trăm công trình kiến trúc chùa tháp thời Trần được xây dựng.
Nhiều ngôi chùa thiêng như các chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Bình Long, Yên Mã, Sơn Tháp, Đám Trì, Hồ Bấc…từ các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang) là những mắt xích quan trọng của thiền phái Trúc Lâm thuộc cánh cung phía Tây.
Trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, có Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với đó, hàng trăm công trình xây dựng kiến trúc thời Trần trong hơn 2000 di tích lịch sử – văn hóa còn lưu lại trên vùng đất bên sông Thương.
Du khách đến vùng đất thiêng Tây Yên tử bằng cung đường nào?
Vùng đất thiêng Tây Yên tử dự kiến sẽ là một điểm đến hấp dẫn du khách và nhân dân bậc nhất tại miền Bắc trong năm 2019. Tuy nhiên, để di chuyển cung đường nào thuận tiện nhất từ các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên… về dâng hương tại đỉnh thiêng Yên Tử sao cho nhanh nhất, thuận tiện nhất qua tỉnh Bắc Giang không phải ai cũng biết.
Theo thông tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang, lộ trình đến Tây Yên Tử vô cùng thuận lợi với các tuyến đường như: Từ Hoà Bình, Hà Nội – đi Tây Yên Tử di chuyển qua Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 18 (Bắc Ninh) rẽ vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang tới Big C Bắc Giang thì di chuyển tới “con đường tâm linh” tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).
Cũng từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, tới TP Bắc Giang (Big C Bắc Giang) và tới tỉnh lộ 293 và di chuyển tới huyện Sơn Động.
Từ Thái Nguyên, du khách di chuyển từ Quốc lộ 37 nối hai tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang tới TP Bắc Giang và rẽ tỉnh lộ 293.
Từ Lạng Sơn đi Tây Yên Tử di chuyển theo Quốc lộ 1 về TP Bắc Giang, sau đó đi vào tỉnh lộ 293 sau đó đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).
Hiện nay, du khách có thể dễ dàng di chuyển từ Hà Nội tới Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử chỉ hơn 100 km với 2 tiếng lái xe.
Ông Nghiêm Xuân Hưởng – Bí thư huyện uỷ Huyện Sơn Động bày tỏ: “Dự án khu du lịch Tây Yên Tử có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chia 3 giai đoạn (từ 2016 đến 2021) với quần thể các công trình chức năng như: Tuyến cáp treo, quảng trường trung tâm, khu tái hiện Hoàng thành, khu nghỉ dưỡng, các khu dịch vụ du lịch.
Dịp khai hội năm 2019, giai đoạn 1 của dự án đã được đầu tư hơn 700 tỷ đồng và sẽ khánh thành, gồm các hạng mục: Tuyến cáp treo số 1 từ ga chùa Hạ lên ga chùa Thượng có chiều dài 2,1 km; khu vực quảng trường trung tâm (cổng quảng trường với chức năng trưng bày, khu điều hành và sân ngắm cảnh; các vườn cảnh quan); nhà hàng ven suối; cầu cảnh quan sang chùa Hạ và một số hệ thống hạ tầng phụ trợ khác…”.
Ông Lê Ánh Dương – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết UBND tỉnh Bắc Giang hướng tới việc xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh “độc nhất vô nhị” là phục dựng con đường bộ hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên non thiêng Yên Tử xuất phát từ chốn tổ Phật giáo là chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ Phật tử và du khách. Con đường bộ hành này sẽ đi theo sườn Tây Yên Tử với những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn còn được bảo tồn nguyên vẹn và các ngôi chùa được phục dựng suốt chặng hành trình.
Về công tác chuẩn bị cho tuần lễ hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thông tin: Tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch phân công rất chi tiết, đảm bảo trên 4 phương diện. Thứ nhất về giao thông, tỉnh đã bố trí các bãi trông giữ xe, tổ chức các tuyến xe buýt từ TP Bắc Giang chạy qua chùa Vĩnh Nghiêm và lên Tây Yên Tử với tần suất là 30 phút/chuyến, hiện nay tuyến này được du khách tour du xuân 2019 đi lại rất đông.
Thứ hai là bảo đảm an ninh trật tự tại Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, dưới chân núi Tây Yên Tử cũng như trên chùa Thượng, trên tuyến cáp treo đã được triển khai và bảo đảm an ninh tốt cho du khách. Các điểm không bảo đảm an toàn đều có biển cảnh báo, có hộ lan và có người để trông nom 24/24 giờ.
Thứ ba, để bảo đảm vệ sinh môi trường, các khu vệ sinh đã được đầu tư xây mới, dọc tuyến đường có thùng rác để nhân dân bỏ rác và có lực lượng thường xuyên đi kiểm tra, thu dọn vệ sinh môi trường, rác đều được vận chuyển hết, xử lý trong ngày bảo đảm cảnh quan luôn xanh, sạch đẹp.
Thứ tư, về công tác chuẩn bị lễ hội, hiện nay chúng tôi đã xây dựng xong kịch bản và đang tập luyện các chương trình nghệ thuật đã hoàn tất. Bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng sẽ diễn ra hàng loạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để hưởng ứng Lễ khai hội năm nay.