Dưới đây là 6 kiểu ăn dặm sai tai hại khiến con mãi chẳng lớn được, nhiều mẹ Việt đang mắc phải. Mẹ hãy thay đổi ngay nhé!
Các mẹ đừng tự tin là cho con ăn toàn đồ đắt tiền thì con sẽ mau lớn nhé, hồi xưa chăm thằng Min, ngày nào mình cũng mua tôm, cua, cá về nấu bột cho con mà bé vẫn chậm lớn, một lần đưa con đi tiêm phòng được bác sĩ phân tích cách cho bé ăn dặm mới biết mình đã mắc lỗi sai trầm trọng.
6 sai lầm nghiêm trọng khi cho bé ăn dặm mãi vẫn còi cọc ốm yếu
Mình thấy nhiều mẹ mắc lại lỗi sai giống mình hồi xưa nên hôm nay vào đây mạn phép viết vài dòng chia sẻ kinh nghiệm, mẹ nào đang trong giai đoạn cho con ăn dặm thì vào tham khảo nhé.
1. Cho con ăn quá nhiều đạm
Chắc nhiều mẹ giống mình, cố gắng cho trứng, cá khi nấu bột cho con vì nghĩ như thế mới đủ chất. Quê chồng mình ở gần biển nên ông bà gửi ra cho Min nào tôm, cua nên hầu như bữa nào của Min cũng có đồ ngon cả.
Sau nghe bác sĩ phân tích mình mới tá hóa, hóa ra mỗi tuần bé chỉ nên ăn 3,4 bữa có hải sản, vì nếu đồ ăn chứa quá nhiều đạm con sẽ dễ bị rối loại tiêu hóa, gây táo bón… bảo sao Min cứ ăn hoài mà chẳng lớn.
2. Lạm dụng nước hầm xương
Bà nội Min nhắc mình phải chăm chỉ hầm xương khi nấu cháo cho con cho bổ hơn. Nhưng hóa ra không phải vậy!
Khoa học đã chứng minh khi hầm xương lấy nước thì chỉ có chất béo từ tủy “phai” ra còn canxi thì chẳng tách ra chút nào cả, do vậy bé yêu nhà mình có ăn cả tấn xương cũng không đủ lượng canxi cần thiết.
Bác sĩ còn bảo rằng, nước xương không có đủ chất dinh dưỡng, vì vật nếu mình cố tình lạm dụng nó mỗi ngày thì không chỉ khiến con khó tiêu mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé nữa.
3. Hâm lại đồ ăn cho con
Vì tính chất công việc bận rộn nên mình hay có thói quen nấu nhân thể 1 lần vào buổi sáng để bé ăn cả ngày, đến bữa nào thì lấy ra nấu lại bữa đó.
Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng việc ăn cháo bữa sau sẽ có mùi không thơm và chắc chắn trẻ sẽ không hề muốn ăn. Hơn nữa, khi nấu đi nấu lại, lượng vitamin trong rau cũng sẽ mất đi gần hết và các con có rất ít chất dinh dưỡng để hấp thụ.
4. Nêm đồ ăn quá mặn
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không được ăn quá mặn vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận của bé. Vì thế, mỗi ngày, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn dưới 1gr muối.
Các mẹ không nên nêm gia vị theo ý mình khi nấu thức ăn cho trẻ, vì khi vừa miệng mình thì đồ ăn đó có thể sẽ là quá mặn hoặc quá ngọt đối với con.
5. Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Hồi xưa Min được 4 tháng mình đã cho con ăn dặm nhưng bác sĩ cho rằng như vậy là quá sớm vì khả năng tiêu hóa tinh bột của bé còn kém, vì vậy trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ bảo rằng thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.
6. Nghiền nhuyễn mọi thức ăn
Nhiều mẹ Việt nghiền nhuyễn mọi thức ăn của con để bé dễ ăn, tránh bị hóc. Nhưng điều ấy lại ảnh hưởng xấu đến việc học nhai, khiến con chỉ biết nuốt chửng, không cảm nhận được mùi vị của đồ ăn từ đó nhanh chán.
Nguyên tắc khi bắt đầu ăn dặm
Đây là 1 số nguyên tắc cho con ăn dặm mình học được từ bác sĩ, bố mẹ tham khảo nhé:
– Cho bé ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.
– Thức ăn chính trong giai đoạn này vẫn là sữa mẹ. Các loại thức ăn khác chỉ là thức ăn phụ, mang tính chất giới thiệu để bé làm quen với mùi vị.
– Bữa ăn đầu tiên, mẹ cho bé làm với cháo trắng nghiền. Đến ngày thứ 3 mẹ có thể cho bé làm quen với từng loại rau củ đã được nghiền mịn như súp lơ, khoai tây, cà rốt, khoai lang, trái cây.
– Mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, xay mịn, dễ tiêu để bé có thể dễ dàng nuốt được. Vì lúc này bé chưa có phản xạ nhai, cơ hàm cũng chưa phát triển mạnh nên không ăn được thức ăn có độ cứng.
– Sau 3 tuần, mẹ có thể cho bé làm quen với các loại thịt, cá. Mỗi lần nên cho với số lượng ít để xem bé thích không và có bị dị ứng không.