Trong nền kinh tế thị trường đang phát triển như hiện nay, nước ta ngày càng tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế. Đi cùng với đó là sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hay khu công nghệ cao với mục đích chuyên biệt sản xuất, chế biến hàng hoá và thực hiện dịch vụ. Những khu vực này là những khu vực sản xuất kinh doanh đặc biệt và có nhiều chính sách ưu đãi hơn dành cho những doanh nghiệp có trụ sở tại những khu vực này. Vì vậy, các doanh nghiệp hay các nhà đầu tư với mong muốn mở rộng doanh nghiệp trong những khu công nghiệp hay quan tâm đến các chính sách ưu đãi đầu tư thì hãy theo dõi bài viết này để nắm được những quy định cần biết về khu công nghiệp.
Khu công nghiệp là gì?
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, khu công nghiệp được hiểu là: “khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp”. Theo đó, so với quy định cũ tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP thì nội dung cơ bản giống nhau chỉ thêm phần: “được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP”. Như vậy, quy định mới đã tóm tắt khái niệm khu công nghiệp được hiểu theo một cách thống nhất và đơn giản hơn.
Các loại hình khu công nghiệp
Bên cạnh đó, Nghị định mới đã bổ sung thêm hai loại hình khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao, cụ thể như sau:
+ Khu chế xuất;
+ Khu công nghiệp hỗ trợ;
+ Khu công nghiệp sinh thái;
+ Khu công nghiệp chuyên ngành;
+ Khu công nghiệp công nghệ cao.
Loại hình | Đặc điểm |
Khu chế xuất | – Là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.– Được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, có cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện, hành khách xuất, nhập cảnh. |
Khu công nghiệp hỗ trợ | – Là khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.– Có tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. |
Khu công nghiệp sinh thái | – Là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí tại Nghị định này. |
Khu công nghiệp chuyên ngành | – Là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc 01 ngành, nghề cụ thể.– Có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này. |
Khu công nghiệp công nghệ cao | – Là khu công nghiệp thu hút:+ Dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;
+ Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; + Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; + Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo. – Có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này. |
Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp
Căn cứ theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP tại Điều 22 về Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế thì khu công nghiệp có một số chính sách ưu đãi sau:
– Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định về pháp luật đầu tư.
Ưu đãi đầu tư đối với địa bàn khu công nghiệp quy định tại pháp luật về đầu tư được áp dụng kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập.
– Mức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và dự án đầu tư trong khu công nghiệp được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, tín dụng, kế toán và quy định khác có liên quan.
– Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc mua, thuê mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu công nghiệp, khu chức năng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Nhà đầu tư có dự án đầu tư trong khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án.
Nghĩa vụ doanh nghiệp trong khu công nghiệp
Theo quy định, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có những nghĩa vụ sau:
– Tuân thủ pháp luật, điều lệ quản lý khu công nghiệp, quyết định chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Đăng ký với Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh: số lượng, khối lượng sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ từ thị trường trong nước (đối với doanh nghiệp khu công nghiệp), số lượng phế phẩm, phế liệu còn giá trị thương mại từ doanh nghiệp chế xuất bán vào thị trường trong nước và hàng hóa từ thị trường trong nước được mua chuyển vào doanh nghiệp chế xuất (đối với doanh nghiệp chế xuất).
– Đối với doanh nghiệp khu công nghiệp công nghệ cao, ngoài việc đăng ký các nội dung nêu trên, tùy theo loại hình mà doanh nghiệp phải đăng ký việc chuyển giao công nghệ cao.
Xem thêm: gia hạn giấy phép lao động của công ty luật siglaw.